Cục Đường sắt đề xuất nâng tốc độ tàu khách lên 80km/h

Đây là mục tiêu của Tờ trình vừa được Cục Đường sắt VN trình lên Bộ GTVT. Đến năm 2020, tốc độ bình quân tàu khách Bắc - Nam sẽ đạt khoảng 80 – 90km/h và 50 - 60km/h với tàu hàng.

Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt VN vừa cho biết, Cục vừa có Tờ trình lần 2 lên Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt hồ sơ “Quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc Nam”, với mục tiêu đưa tốc độ bình quân trên tuyến này lên khoảng 80 – 90km/h với tàu khách và 50 - 60km/h với tàu hàng; Từng bước nâng cao thị phần vận tải, tăng lượng luân chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường sắt theo mục tiêu trong chiến lược và quy hoạch phát triển ngành Đường sắt đã được Thủ tướng phê duyệt; Kết nối đường sắt với các cảng biển, khu công nghiệp...

Theo Tờ trình, thời gian thực hiện tập trung cho giai đoạn đến năm 2020 và kế tiếp. Trong giai đoạn đến năm 2020, quy hoạch chọn phương án cơ sở với tốc độ tàu khách đạt bình quân 80 km/h, tàu hàng đạt 50km/h. Vận tải hành khách đạt 15 triệu hành khách/1 năm và hàng đạt 5 triệu tấn/1 năm. Năng lực thông qua 25 đôi tàu/1 ngày đêm.

Để được các mục tiêu này, nhóm giải pháp chính sẽ bao gồm cải tạo lớn các “nút cổ chai” khu gian Hòa Duyệt  - Thanh Luyện, xây dựng hầm Khe Nét, Hải Vân, di dời ga Đà Nẵng ra khỏi thành phố; cải tạo nền đường theo tiêu chuẩn kỹ thuật cấp đường, xay dựng hàng rào đường gom, xóa đường ngang dân sinh, hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu toàn tuyến. Kéo dài đường 18 ga đảm bảo chiều dài sử dụng trên 400m. Xây dựng hệ thống bán vé điện tử...

Giai đoạn sau năm 2020 sẽ tiếp tục đầu tư các dự án thuộc các nhóm giải pháp để đạt mục tiêu tốc độ tàu khách bình quân đạt 90km/h, tàu hàng đạt 60km/h. Vận chuyển 16 triệu lượt hành khách/1 năm và 6 triệu tấn hàng/1 năm.

Các nhóm giải pháp được đưa ra gồm: thực hiện các dự án lớn còn lại phù hợp với quy hoạch địa phương, cải tạo tuyến đường cong đầu Bắc ga Thanh Hóa, cải tạo tuyến đường sắt qua khu kinh tế Nghi Sơn Thanh Hóa, mở mới ga chính Hà Tĩnh, hàn ray những đoạn có tốc độ lớn nhất trên 100km/h, xây dựng cầu vượt giao cắt lập thể...

Bên cạnh đó là các nhóm giải pháp nâng cao năng lực thông qua, đầu tư một số đoạn tuyến đường sắt đôi từ Hà Nội (Ngọc Hồi) – Phủ Lý; Sài Gòn – Biên Hòa thuộc dự án Trảng Bom – Hòa Hưng và đoạn Huế - Đà Nẵng. Mua sắm 14 đầu máy kéo tàu khách và 24 đầu máy kéo tàu hàng cùng hơn 680 toa xe cả khách và hàng đảm bảo chạy 2 đôi tàu khách theo tốc độ cao nhất đạt 120km/h và 2 đôi tàu hàng đạt 100km/h.

Ông Doanh cho biết thêm, Quy hoạch chi tiết hiện đại hóa Bắc – Nam đã được nghiên cứu và quán triệt theo Nghị quyết TW13 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI tuân thủ các quy trình phê duyệt của Chính phủ. Tuy nhiên từ nay đến năm 2020 chỉ còn 6 năm, để kịp thời hoàn thành quy hoạch và có cơ sở công bố và quản lý quy hoạch đảm bảo cho sự phát triển đường sắt trong thời gian tới, tránh chồng lấn các quy hoạch phát triển khác của địa phương, làm căn cứ để thực hiện các bước nghiên cứu tiếp theo và xúc tiến tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho dự án.

Tổng mức đầu tư của phương án cơ sở khoảng hơn 8,9 tỷ USD. Phương án cao khoảng hơn 10,2 tỷ USD. Về nguồn vốn, Tờ trình đề xuất sử dụng các nguồn vốn ngân sách, trái phiếu, vốn ODA kết hợp vốn đối ứng của Chính phủ, vốn BOT hoặc BT, vốn từ các tổ chức doanh nghiệp tư nhân kinh doanh khai thác vận tải.

Tờ trình cũng đề xuất các phương án phân kỳ đầu tư hiệu quả nhất cho cả 2 giai đoạn. Hiện Tờ trình đã được trình lên Bộ GTVT để gửi lấy ý kiến của 5 bộ ngành liên quan và 21 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt Thống Nhất đi qua.

Thiện Anh

Theo giaothongvantai.com.vn

Các Tin Khác :
DỊCH VỤ
HÌNH ẢNH
FACEBOOK