Lỗ hổng quản lý vận tải ở Hải Phòng

TP Hải Phòng hiện có 13 nghìn doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa, nhưng có tới 80% số doanh nghiệp chỉ có từ một đến ba xe, 10% số doanh nghiệp (lĩnh vực vận tải khách) được cấp phép kinh doanh, 90% số doanh nghiệp (vận tải hàng hóa) còn lại ở tình trạng "không ai quản".

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc ngăn chặn tai nạn giao thông mới đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Ðinh La Thăng đã nghiêm khắc phê bình Sở GTVT Hải Phòng do buông lỏng vai trò quản lý nhà nước...

Vận tải bát nháo

Theo báo cáo của Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng Ðàm Xuân Lũy, trên địa bàn thành phố hiện có 1.300 doanh nghiệp vận tải với hơn 7.100 đầu xe công-ten-nơ đang hoạt động, đảm nhận vai trò vận chuyển hàng chục triệu tấn hàng hóa mỗi năm từ Hải Phòng đi các vùng miền đất nước và ngược lại. Tuy nhiên, đến nay Sở GTVT mới cấp giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định cho 46 doanh nghiệp vận tải công-ten-nơ với khoảng hơn 600 xe. Như vậy, còn tới hơn 90% số xe công-ten-nơ của Hải Phòng chưa đủ điều kiện hoạt động do chưa có giấy đăng ký kinh doanh vận tải và phù hiệu.

Tại cuộc họp, chính ông Lũy cũng phải thừa nhận, trên thực tế lâu nay Sở GTVT Hải Phòng không quản lý được xe công-ten-nơ. Các doanh nghiệp mua xe, chỉ cần đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Ðầu tư, xin cấp đăng ký ở Phòng CSGT là xong, hoàn toàn đủ điều kiện... ra đường, Sở GTVT không có "cây gậy" nào hữu hiệu để xử lý những trường hợp ấy. Mặc dù kinh doanh vận tải bằng ô-tô là loại hình có điều kiện, nhưng thực tế lâu nay Sở GTVT không quản lý nổi, vì không có giấy phép, phù hiệu của Sở cấp thì xe công-ten-nơ vẫn "vô tư" hoạt động trên đường.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, có tình trạng tới hơn 90% số xe ô-tô vận tải hàng hóa ở Hải Phòng không có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô-tô do Sở GTVT cấp vì để được cấp giấy phép kinh doanh này, doanh nghiệp phải đáp ứng được rất nhiều điều kiện, đạt hàng loạt tiêu chí như số xe ô-tô, bãi đỗ, bảo đảm an toàn, thiết bị giám sát hành trình,... Ðáp ứng được các điều kiện này, đòi hỏi doanh nghiệp phải có quy mô vốn lớn, tới hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, phần lớn các chủ xe công-ten-nơ ở Hải Phòng chỉ có một vài xe, thậm chí vài người góp với nhau để mua một xe công-ten-nơ, thuê người lái chở hàng kiếm sống, việc đáp ứng các điều kiện trên là bất khả thi. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT khi dừng xe chỉ được kiểm tra và xử lý đối với lái xe tải vi phạm an toàn giao thông trên đường, chứ cũng không đòi hỏi lái xe về giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô-tô vì giấy phép này cấp cho doanh nghiệp chứ không cấp cho từng phương tiện.

Ðối với vận tải hành khách, ở Hải Phòng, từ lâu đã diễn ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, phức tạp tại các bến xe, việc ra quân chấn chỉnh của các lực lượng chức năng chỉ như "đá ném ao bèo", lắng dịu một thời gian lại bùng phát trở lại. Người dân sống quanh khu vực các bến xe phản ánh các đối tượng "đầu gấu", "đại bàng" có "số má" thường xuyên có mặt tại các bến xe đe dọa đánh đập, hành hung lái xe, hành khách nếu không tuân theo "luật rừng" do chúng đặt ra. Các hãng xe khác buộc phải chấp nhận đi sau nếu không muốn bị đập phá phương tiện hoặc hành hung. Mới đây, một phụ xe của Công ty vận tải Hoàng Long đã bị các đối tượng côn đồ theo lên tận Bến xe Lương Yên (Hà Nội) đánh trọng thương, phải đi cấp cứu, thậm chí chúng còn về tận quê đe dọa gia đình, không được tố cáo sự việc với các cơ quan chức năng. Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã gây thiệt hại rất lớn cho một số hãng xe, khiến doanh thu bị sụt giảm, nhiều lái xe lo sợ phải bỏ việc, dẫn đến nguy cơ nhiều hãng phải xóa bỏ tuyến. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong vận tải hành khách không chỉ gây mất an ninh trật tự, mà còn gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông và gây bức xúc cho hành khách.

Những hành khách đi lại trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng cũng rất ức chế vì thường xuyên gặp phải tình trạng xe chạy lúc như rùa bò, lúc lao vun vút, chèn ép các phương tiện khác. Việc các lái, phụ xe và các hãng xe không chấp hành pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh, nguyên nhân chính là do bất cập từ khâu quản lý. Khu vực nội thành TP Hải Phòng có bốn bến xe khách gồm Tam Bạc, Lạc Long, Cầu Rào và Niệm Nghĩa. Nếu lấy bến Tam Bạc làm trung tâm, khoảng cách với bến xa nhất (Cầu Rào) chỉ chưa đầy 3 km. Trong khi đó, cả bốn bến xe này đều có xe chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội. Do bị trùng tuyến, các hãng phải dùng mọi thủ đoạn cạnh tranh, giành giật khách.

"Lỗ hổng" lớn trong quản lý

Trong hoạt động vận tải hành khách bằng ô-tô ở TP Hải Phòng đã phát sinh "lỗ hổng" lớn trong quản lý. Các doanh nghiệp vận tải và đội ngũ lái xe, phục vụ trong quá trình hoạt động chưa thật sự chấp hành tốt các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô-tô. Tại một số đơn vị không quản lý, điều hành tập trung thường buông lỏng, khoán trắng cho lái, phụ xe, không ký kết đầy đủ hợp đồng lao động với lái, phụ xe, thiếu tổ chức quản lý, thiếu kiểm tra, đôn đốc, giáo dục đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ. Trên hầu khắp các tuyến vận tải, vẫn còn xảy ra tình trạng phương tiện vi phạm việc đăng ký, niêm yết chất lượng dịch vụ vận tải, dừng đón, trả khách bừa bãi gây lộn xộn, mất trật tự, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, một số lái xe vẫn cố tình phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm tốc độ dẫn đến nguy cơ gây tai nạn giao thông cao.

Ðặc biệt, tình trạng tranh giành khách theo kiểu "xã hội đen" giữa một số đơn vị vận tải hoạt động trên tuyến Hải Phòng - Hà Nội diễn biến phức tạp trong thời gian vừa qua chưa được xử lý triệt để. Một số cổ đông của các đơn vị vận tải sử dụng những đối tượng lưu manh, côn đồ gọi điện đe dọa, bắt chặn, dừng xe, khống chế lái xe, phương tiện của các hãng vận tải khác có phương tiện hoạt động trên tuyến quốc lộ 5 đi qua các tỉnh, TP Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, bắt đi nhanh, chậm, dừng xe theo ý muốn, nếu trái ý sẽ bị đánh đập, hành hung hoặc phá hoại phương tiện. Hầu hết các đơn vị vận tải chưa chú trọng đến công tác tập huấn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ lái xe, phục vụ, việc đóng nộp bảo hiểm xã hội cho các lái xe cơ bản chỉ là thỏa thuận trả trọn gói vào tiền lương hằng tháng.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT Ðinh La Thăng, từ ngày 10-7, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra công tác quản lý nhà nước về vận tải tại TP Hải Phòng. Những "lỗ hổng" quản lý về vận tải ở Hải Phòng, xét cho cùng do một số cơ chế, chính sách quy định còn lỏng lẻo. Hiện nay, Luật HTX, Luật Doanh nghiệp "quá thông thoáng", tạo kẽ hở cho những đơn vị vận tải vi phạm. Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung quy định vận tải ô-tô theo hướng là ngành kinh doanh đặc biệt, đặc thù với vận tải hành khách bằng ô-tô đường dài và vận tải hàng hóa bằng ô-tô đầu kéo sơ-mi rơ-moóc, đòi hỏi các điều kiện kinh doanh phải khắt khe, nghiêm ngặt hơn.

nhandan.com.vn

Các Tin Khác :
DỊCH VỤ
HÌNH ẢNH
FACEBOOK